HỘI THẢO KHOA HỌC:
TỪ CHIẾN THẮNG "ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG" ĐẾN HIỆP ĐỊNH PARIS - SỨC MẠNH DÂN TỘC VÀ TẦM VÓC THỜI ĐẠI
Sáng ngày 1/12/2022, Trường Đại học Tài chính - Maketing tổ chức Hội thảo khoa học “Từ chiến thắng “Điện Biên phủ trên không” đến Hiệp định Paris - Sức mạnh dân tộc và tầm vóc thời đại”. Hội thảo là hoạt động chính trị của Nhà trường nhằm thiết thực kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” và công bố những kết quả nghiên cứu mới về chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” (12 ngày đêm cuối năm 1972) và Hiệp định Paris (tháng 1 năm 1973). Hội thảo vinh dự được đón tiếp các đại biểu: Đồng chí Võ Cường - Trưởng phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Thành uỷ Tp.HCM, đồng chí Đặng Thuỳ Khánh Vân - Trưởng ban Tuyên giáo Đảng uỷ Khối ĐH-CĐ Tp.HCM, TS. Lê Quang Cần - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai, Đại tá, TS. Phạm Văn Quốc - Đại học Nguyễn Huệ, Bộ Quốc Phòng và nhiều nhà khoa học đến từ nhiều đơn vị khác trong và ngoài trường, cùng toàn thể giảng viên khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Tài chính - Marketing.
Ban Tổ chức chiếu phim tư liệu, tuyên truyền về Hội thảo
Để chuẩn bị cho Hội thảo, Ban tổ chức đã tiến hành gửi Thư mời đến các nhà khoa học ở các Học viện, Trường Đại học khu vực phía Nam và đã nhận được 72 tham luận từ các đơn vị: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai, Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng, Trường Đại học Nguyễn Huệ, Trường Đại học Trần Đại Nghĩa, Trường Đại học Luật Tp.HCM, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp.HCM, Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Tài chính – Marketing, Trường Cao đẳng Phát thanh truyền hình II, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh. Sau quá trình tổ chức thẩm định nội dung, trao đổi với các tác giả, Ban Biên tập đã tuyển chọn được 25 tham luận tiêu biểu, có chất lượng phù hợp với chủ đề của Hội thảo và sắp xếp theo hai chủ đề chính:
Thứ nhất, Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” - Hiệp định Paris: biểu tượng của khát vọng độc lập và ý chí tự cường.
Thứ hai, Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”- Hiệp định Paris: bài học kinh nghiệm và giá trị thời đại.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS.Hồ Thuỷ Tiên – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường nhấn mạnh: Trên cơ sở kế thừa những kết quả nghiên cứu của những nhà khoa học đi trước, những tham luận của các nhà khoa học gửi đến tham gia hội thảo đã góp phần phân tích và đi đến khẳng định những giá trị, tầm vóc và ý nghĩa của Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” đối với kết quả của Hiệp định Paris nói riêng và thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói chung, đồng thời qua đó nêu lên được những bài học có giá trị cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” được coi là đỉnh cao trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của dân tộc Việt Nam bởi tính chất quyết liệt, đóng vai trò quyết định cho sự ngã ngũ của cuộc chiến. Kết quả của Chiến dịch đã buộc Mĩ phải ký kết Hiệp định Paris và rút khỏi Việt Nam sau gần 20 năm xâm lược, kết thúc hoàn toàn cuộc chiến tiêu biểu nhất trong lịch sử gần 200 năm của Hoa Kỳ; đồng thời đặt dấu chấm hết cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa vào ngày 30/4/1975.
PGS.TS.Hồ Thuỷ Tiên - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường - Phát biểu Khai mạc
Phát biểu đề dẫn, TS. Lê Trung Đạo – UVTV Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng, thay mặt Chủ tịch đoàn đã đặt ra 3 vấn đề để các đại biểu, nhà khoa học trao đổi, thảo luận làm rõ:
Một là, giá trị lịch sử và thời đại của chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” và Hiệp định Paris.
Hai là, thắng lợi “Điện Biên Phủ trên không” – khát vọng độc lập, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam.
Ba là, bài học “thấy trước, bảo vệ trước” trong chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” và sự vận dụng trong tình hình mới.
TS. Lê Trung Đạo – UVTV Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng - Phát biểu Đề dẫn
Tại Hội thảo, Chủ tịch đoàn đã mời một số nhà khoa học chia sẻ, phân tích, đánh giá về giá trị, tầm vóc của chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” và Hiệp định Paris:
1. Bài học “Thấy trước, bảo vệ trước” trong chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” và sự vận dụng trong tình hình mới bài học “Thấy trước, bảo vệ trước” trong chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” và sự vận dụng trong tình hình mới củaThS. Trần Quốc Tuấn (Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng, báo cáo trực tuyến).
2. Điện Biên Phủ trên không năm 1972 - khát vọng độc lập, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam của TS. Lê Quang Cần (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai).
3. Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” và một số bài học kinh nghiệm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay của ThS. Đỗ Thị Quỳnh Anh (Trường Đại học Nguyễn Huệ, Bộ Quốc phòng).
4. Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” phản ảnh giá trị lịch sử của hội nghị 11, hội nghị 12 - khoá III (năm 1965) và tầm nhìn chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam của ThS. Vũ Văn Quế (Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Tài chính - Marketing).
Ngoài ra, cũng tại Hội thảo, nhiều nhà khoa học cũng trao đổi, thảo luận thêm về bối cảnh lịch sử, các nhân tố tác động đến thắng lợi của chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” cũng như Hội nghị Paris và Hiệp định Paris.
Tổng kết Hội thảo, TS. Lê Trung Đạo – UVTV Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng khẳng định: Chiến thắng “Điện Biên phủ trên không” năm 1972 là biểu tượng của sức mạnh ý chí, lòng quyết tâm và trí tuệ của dân tộc Việt Nam, một chiến thắng làm chấn động lương tri nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới trong thế kỷ XX và âm vang đến tận ngày nay. Đến nay, chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” tuy đã được giới nghiên cứu tiếp cận từ nhiều hướng khác nhau nhưng vẫn tiếp tục là đề tài thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Trong khuôn khổ của một Hội thảo khoa học, chắc chắn sẽ còn nhiều vấn đề chưa thể trình bày hết. Những nội dung nghiên cứu của Hội thảo là một vấn đề mở, sẽ tiếp tục được phát triển trong các hội thảo, các diễn đàn khoa học khác.